Bảo hiểm nhân thọ rất cần thiết cho mỗi người, nhưng chúng ta cần chuẩn bị và xác định rõ một số điều trước khi tham gia.
Xác định rõ mục tiêu
Điều đầu tiên bạn cần chuẩn bị trước khi tham gia bảo hiểm nhân thọ đó là xác định mục tiêu của hợp đồng bảo hiểm. Việc trả lời được câu hỏi “tham gia bảo hiểm nhân thọ để làm gì” có ý nghĩa rất lớn, bởi nó giúp bạn xác định con đường bạn đi chung với bảo hiểm là đến đâu, cũng như quyền lợi bạn nhận được từ đó là những gì.
Tuy mục đích chung lớn nhất khi có bảo hiểm nhân thọ là được bảo vệ, chia sẻ rủi ro về tài chính và sức khoẻ tính mạng cũng như một kênh tiết kiệm và đầu tư an toàn và hiệu quả, tuy nhiên việc bạn mua bảo hiểm cho bản thân khác với việc mua cho bố mẹ, cũng khác rất nhiều so với mua bảo hiểm cho con cái. Bạn muốn bố mẹ có một quỹ lương hưu để an nhàn tuổi gia, vậy hãy dành bảo hiểm cho bố mẹ; bạn muốn có quỹ đại học cho con, hãy đem món quà đó cho con qua bảo hiểm nhân thọ. Mỗi gói bảo hiểm có những đặc điểm riêng biệt, tạo ra quyền lợi riêng cho người mua.
>> Bạn có biết: bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm vì sao phải mua?
Bạn cần trả lời câu hỏi: bạn muốn gì từ bảo hiểm nhân thọ trước khi tham gia.
Một điều nữa cần chú ý, đó là chúng ta chỉ nên tham gia khi bản thân chúng ta nhận ra chúng ta cần gì, chúng ta có được những giá trị thiết thực nào mà nó mang lại chứ không phải là do người khác “rủ rê, lôi kéo”, cũng không phải vì người quen nói với chúng ta là “bảo hiểm nhân thọ tốt lắm, hãy tham gia bảo hiểm nhân thọ đi”. Bảo hiểm nhân thọ cũng như một món đồ, nhưng những gì nó mang lại cho bạn lớn hơn rất nhiều so với chi phí để sở hữu. Chỉ khi nào bạn thấy món đồ ấy là cần thiết, và bạn muốn có nó cho những dự định, kế hoạch lâu dài nào của mình, thì bạn mới thực sự nên có nó bên mình.
Xác định số tiền dành cho bảo hiểm
Bên cạnh việc xác lập mục đích khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, bạn cần quan tâm tới chi phí tham gia bảo hiểm. Đây là điều vô cùng quan trọng, bởi nó gắn liền trực tiếp với kế hoạch chi tiêu của bạn. Có bảo hiểm nhân thọ để phòng ngừa rủi ro không may là quá đúng rồi, nhưng vì thế mà chi tiêu quá nhiều cũng sẽ khiến bạn mệt mỏi khi phải gắn bó với nó.
Có hai nguyên tắc mà người mua bảo hiểm cần phải ghi nhớ như đinh đóng cột, đó là nguyên tắc “nhỏ hơn 10” và nguyên tắc “lớn hơn 1”.
Hai nguyên tắc "gối đầu giường" khi tham gia bảo hiểm nhân thọ là "nhỏ hơn 10" và "lớn hơn 1".
“Nhỏ hơn 10” là nguyên tắc giúp bạn cân đối chi tiêu với một hợp đồng bảo hiểm: chúng ta chỉ tham gia bảo hiểm khi phí bảo hiểm nhỏ hơn hoặc bằng 10% thu nhập. Dù có yêu thích bảo hiểm nhân thọ đến mức nào, hiểu được tường tận những gì bảo hiểm có thể đưa tới cho chúng ta, nhưng chẳng có ai muốn phải gồng gánh cho một khoản phí bảo hiểm khổng lồ.
Nguyên tắc “lớn hơn 1” đưa tới cho bạn lời khuyên khi bắt đầu với bảo hiểm nhân thọ. Bạn nên có thêm cho mình một hoặc vài sản phẩm bổ sung, vì như vậy được nhiều quyền lợi hơn, chi phí lại thấp hơn rất nhiều so với việc tham gia từng bảo hiểm đơn lẻ. Ví dụ, bạn mua bảo hiểm để đảm bảo con đường học vấn cho con tới khi con 18 tuổi với phí bảo hiểm khoảng 20 triệu mỗi năm, nhưng tham gia bảo hiểm bổ sung cho bố mẹ lại chưa đến 1 triệu 1 năm cho mỗi người, vừa tiết kiệm được tiền cho con ăn học đại học, cả nhà đều được bảo vệ như nhau nhưng mức phí tham gia của bố mẹ lại thấp hơn rất rất nhiều nếu đem ra so sánh với việc tham gia riêng biệt từng người.
“Lớn hơn 1” còn có một ý nghĩa khác nữa. Đó là mỗi người nên có nhiều hơn một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Khi bạn chưa có được một nền tảng kinh tế vững mạnh, bạn có thể lựa chọn hợp đồng bảo hiểm với mệnh giá chưa cao. Nhưng thời gian thay đổi, thu nhập cao hơn, nhu cầu của bạn lớn hơn, bạn có thể dành nhiều tiền hơn cho bảo hiểm nhân thọ. Lúc này bạn có thể sở hữu thêm một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới, với những điều kiện cũng như quyền lợi khác được gia tăng.
Đương nhiên, nguyên tắc này cũng chỉ được áp dụng khi và chỉ khi bạn tuân thủ nguyên tắc “nhỏ hơn 10”.
Xác định thời gian tham gia
Thời hạn của bảo hiểm là điều bạn cần suy tính kĩ càng trước khi đặt bút kí. Chúng ta chi cho bảo hiểm để mua lại sự bình yên, an tâm, chứ không phải đem về nỗi lo, hay thắc mắc rằng tham gia bảo hiểm dài như thế này liệu mình có theo nổi không? Nhiều người quá lo sợ rằng: đóng phí bảo hiểm 10 năm, 20 năm thì đến bao giờ mới lấy được tiền. Một số lại nghĩ đóng phí bảo hiểm thời gian dài như thế thì phí bảo hiểm là quá lớn.
Bạn cần phải biết rằng: tham gia bảo hiểm nhân thọ với thời gian dài như vậy không những không phải là bất lợi, ngược lại, nó lại là điểm mạnh, là lợi thế của bảo hiểm nhân thọ mà không giải pháp tài chính nào có được, vì như thế có nghĩa là bạn và gia đình sẽ được bảo đảm an toàn lâu hơn. Quyền lợi của bảo hiểm nhân thọ trong 10 năm chắc chắn sẽ không thể nhiều như hợp đồng 20, 25 năm được. Bạn muốn được bảo vệ trong thời gian dài, thậm chí là trọn đời, nhưng lại không muốn đóng phí trong khoảng thời gian ấy, như vậy không phải quá vô lí hay sao?
Thời gian tham gia quyết định quyền lợi bạn nhận được từ bảo hiểm nhân thọ.
Có thể, bạn đã từng nghĩ tới trường hợp, mình đang tham gia bảo hiểm nhân thọ với mức phí cố định, với thời gian lâu như vậy, nhưng chẳng may khi tài chính cá nhân gặp vấn đề trục trặc thì phải làm thế nào. Hủy ngang thì thiệt đơn thiệt kép, vì vừa không được bảo vệ, vừa không thể nhận được quyền lợi bảo hiểm trọn vẹn khi chưa đáo hạn. Nhưng nếu tài chính đang bất ổn thì một hợp đồng bảo hiểm lúc này lại trở thành gánh nặng. Nếu vậy thì phải làm gì đây?
Lúc này, sự linh hoạt của bảo hiểm nhân thọ lại thể hiện tính ưu việt của mình. Bạn có thể đề nghị công ty bảo hiểm tạm ngưng đóng phí bảo hiểm khi bạn gặp khó khăn về tài chính, sau đó được quyền tái tục hợp đồng, bạn cũng có thể giảm mệnh giá hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để có mức phí phù hợp hơn, hoặc thậm chí có thể tạm ứng trước giá trị hoàn lại để giải quyết vấn đề đang vướng mắc. Đây là những lợi ích đặc thù mà nhiều người có thể không để ý tới.
Xác định thông tin từ nhiều nguồn
Ngoài những điều trên, bạn cũng có thể tham khảo thông tin từ bạn bè, người thân, những người quan đã từng tham gia bảo hiểm. Dù hoàn cảnh của mỗi người không ai giống ai, nhưng bạn có thể lấy họ như những ví dụ rõ ràng, chân thực và gần gũi nhất để tham khảo.
Tuy vậy, bạn không nên tin tuyệt đối vào những lời khuyên, những câu chuyện mà bạn nghe được từ bạn bè, vì như đã nói ở trên, dù mang giá trị tham khảo nhưng đó lại hoàn toàn là những trường hợp cá biệt, không có tính chất đánh giá toàn bộ. Bạn có thể nghe người này nói bảo hiểm của hãng đó tốt, người kia nói “không, đừng tham gia” vì dù cùng một hàng nhưng những tư vấn bảo hiểm làm việc với họ là khác nhau.
Vậy phải làm thế nào?
Tham khảo thông tin từ nhiều nguồn trước khi đặt bút kí hợp đồng bảo hiểm là một việc làm cần thiết và thông minh.
Quan trọng là những thông tin bạn thu được từ tư vấn viên chính xác đến bao nhiêu phần trăm. Điều bạn cần làm là kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn, tìm hiểu về thương hiệu, mức độ đánh giá uy tín của hãng , cũng như xác nhận xem đại lý bảo hiểm mình đang trao đổi cùng có độ tin cậy cao hay không trước khi có chữ kí trong hợp đồng bảo hiểm. Bảo hiểm nhân thọ thì tốt rồi, và bạn cũng biết luôn rằng tham gia càng sớm ngày nào càng tốt ngày ấy, nhưng việc thận trọng, dành ra vài ngày để nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ, xác nhận thông tin mà bạn thu được là những việc hoàn toàn nên làm.
>> Nếu bạn còn thắc mắc với bất cứ câu hỏi nào hay còn lăn tăn trong việc xác định thời gian, số tiền, mục đích cũng như kiểm chứng thông tin về bảo hiểm nhân thọ, bạn có thể tham gia đăng kí hỏi đáp trực tiếp với các tư vấn viên để nhận được lời khuyên hữu dụng và chính xác nhất mà hoàn toàn không mất phí.
Theo thị trường tài chính Việt Nam